Home / Blog Bài Thuốc Nam Bắc Việt / 12 điều bạn nên cẩn thận khi nói với bà bầu

12 điều bạn nên cẩn thận khi nói với bà bầu

12 điều bạn nên cẩn thận khi nói với bà bầu

Vóc dáng mẹ bầu, giới tính của đứa bé hay kế hoạch tương lai đều là những điều bạn nên cẩn thận khi nói với bà bầu. Phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai sẽ rất nhạy cảm nên bạn có thể khiến cô ấy lo lắng và căng thẳng nếu quên để ý cảm giác của mẹ bầu.

Phụ nữ mang thai phải trải qua nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống và cũng bị ảnh hưởng của hormone thai kỳ nên thường cảm thấy mệt mỏi và thậm chí đau đớn. Đôi khi vì muốn thể hiện sự quan tâm tới bà bầu, bạn có thể khiến bà bầu bị tổn thương, lo lắng và stress. Bạn hãy cẩn thận khi nói với bà bầu những điều sau đây nhé.

1. Những nhận xét về vóc dáng bà bầu

– Trông em nhỏ quá!

– Bà bầu trông mũm mĩm thế!

– …

Phụ nữ luôn rất quan tâm đến vóc dáng và sức khỏe của mình, đặc biệt là khi mang thai. Nếu cô ấy vốn có thể trạng gầy hay vì bị nghén không ăn được nên giảm cân mà bạn nói với cô ấy: “Trông người em nhỏ quá!” hay “Em mang thai mà trông gầy và xanh quá, có ổn không?!”, cô ấy sẽ rất buồn và lo lắng. Ngược lại, những người vốn đã đầy đặn sẽ rất lo lắng việc bị quá cân sẽ ảnh hưởng đến con nên bạn cũng nên tránh nhắc tới nỗi lo của họ.

2. Những nhận xét về thời điểm sinh con

– Cậu bị vỡ kế hoạch à?

– Sinh con tầm tuổi này là muộn rồi đấy!

– Có bầu bây giờ có sớm quá không?

Trước khi hỏi, bạn hãy tự nhủ thời điểm mang thai của người khác có thật sự quan trọng không. Thay vì hỏi những câu hỏi riêng tư như vậy, bạn chỉ cần nở một nụ cười thật tươi và nói chúc mừng: “Xin chúc mừng nhé. Trẻ con sẽ khiến cuộc đời cậu trở nên đáng yêu hơn đấy!”.

3. Bàn luận về giới tính của bé

cẩn thận khi nói với bà bầu

– Bạn muốn sinh bé trai hay bé gái?

– Lại là bé trai à?

– Trông bụng bầu thế này chắc là bé gái rồi?

–…

Mỗi bà bầu và gia đình sẽ có những quan điểm khác nhau về giới tính của em bé sắp chào đời và thường không ai muốn có sự phân biệt bé trai hay bé gái khi bé còn chưa sinh ra. Vì vậy, bạn nên tránh tò mò về giới tính thai nhi bằng những câu hỏi như trên. Nếu đủ thân thiết, bà bầu sẽ chủ động chia sẻ về giới tính của em bé với bạn! 

4. So sánh mẹ bầu với trải nghiệm của bạn

– Khi mẹ mình có bầu thì…

– Lúc mình có bầu, mình…

–…

Mỗi phụ nữ mang thai có rất nhiều điểm khác nhau về tình trạng sức khỏe, thời điểm mang thai, hoàn cảnh… Vì vậy, việc so sánh bạn với phụ nữ có bầu sẽ khiến họ rất khó chịu và căng thẳng.

Thay vì so sánh với trải nghiệm cá nhân, bạn có thể lắng nghe mẹ bầu trò chuyện nhiều hơn. Nếu cô ấy hỏi xin ý kiến chăm sóc thai nhi hay chuẩn bị đón em bé thì bạn có thể chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm của mình nhé.

5. Nhận xét về kích thước bụng bầu

– Sao tới tháng này rồi mà bụng chị trông nhỏ thế!

– Mới có mấy tháng đầu mà bụng to thật đấy!

– …

Mọi bà bầu đều rất lo lắng khi mang thai, đặc biệt là về sức khỏe của em bé trong bụng. Việc bạn nhìn bà bầu rồi đưa ra nhận xét về bụng bầu sẽ khiến họ thêm lo lắng. Bạn hãy nhớ là các nhà khoa học đã cho biết kích thước bụng, hình dáng bụng bầu còn tùy thuộc vào vóc dáng và thể trạng của từng phụ nữ và hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Thay vì đưa ra những nhận xét, bạn có thể động viên bà bầu và thể hiện tình cảm với em bé trong bụng bằng câu nói: “Bụng bầu của chị nhìn đáng yêu quá!” hoặc “Kỳ diệu thật đấy chị nhỉ, thích quá!”.

6. Những câu hỏi quá sâu về đời tư của bà bầu

cận thận khi nói với bà bầu

– Chị định đặt tên con là gì?

– Chị có định cho bé bú sữa mẹ không?

– Sinh xong rồi chị sẽ nghỉ việc ở nhà trông bé à?

–…

Bà bầu đã phải trải qua nhiều thay đổi trong cuộc sống và phải lo lắng, thu xếp để chăm sóc bé yêu sắp chào đời. Những câu hỏi về đời tư và quyết định cá nhân của họ sẽ làm họ càng thêm căng thẳng hơn, đặc biệt là vào thời điểm nhạy cảm khi mang thai. Vì vậy, bạn đừng tò mò theo cách này để tránh làm bà bầu thêm mệt mỏi và stress nhé.

7. Những lời khuyên khiến bà bầu thêm mệt mỏi

– Em tranh thủ ngủ đi, sau này sẽ không có thời gian mà ngủ đâu.

– Tranh thủ đi lại đi, tháng cuối rồi đi cũng chẳng nổi ấy.

– Em tranh thủ mà tận hưởng cuộc sống đi, sắp không có cơ hội nữa rồi.

–…

Bà bầu, đặc biệt là phụ nữ có bầu con đầu lòng, vốn đã rất lo lắng về vấn đề sức khỏe khi sắp sinh và chăm sóc con sau sinh. Những khuyên nhủ của bạn tuy có ý tốt nhưng lại vô tình tăng thêm sự mệt mỏi cho bà bầu. Có thể họ quá khó chịu nên không ngủ được hay quá mệt mỏi nên không tập thể dục nổi.

8. Tò mò về thời điểm sinh con của bà bầu

– Bụng em to quá rồi, sắp sinh à?

– Trông em thế này khéo sinh sớm đấy?

– Cậu sắp sinh à?

–…

Mặc dù bác sĩ có thể cho biết ngày dự sinh nhưng không phải lúc nào bé cũng sinh ra vào đúng thời điểm dự kiến mà có thể sớm hơn. Sinh sớm là nỗi sợ rất lớn của mọi bà bầu vì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé. Nếu bạn tò mò về thời điểm sinh con của bà bầu và dọa họ sẽ sinh sớm trong khi họ mới chỉ ở tháng thứ 7, 8 của thai kỳ chỉ vì trông bụng họ to sẽ khiến bà bầu bị ám ảnh và rất stress đấy.

9. Những nhận xét về trải nghiệm sinh con

cẩn thận khi nói với bà bầu

– Ôi, hồi mình sinh đau khủng khiếp luôn.

– Sinh mổ đau lắm, còn rất sợ nữa. Ôi nghĩ lại mà…

–…

Nếu cần hỏi kinh nghiệm nên làm thế nào khi đi sinh, bà bầu sẽ chủ động chia sẻ và trao đổi với bạn. Những nhận xét và chia sẻ bằng cách nói ở trên sẽ khiến bà bầu sợ hãi, lo lắng và bất an. Điều này không tốt cho sức khỏe hiện tại và tâm lý vượt cạn của bà bầu sau này.

10. Những bàn luận về cuộc sống sau sinh

– Nghe nói bạn sinh đôi à, sẽ bận lắm đấy!

– Có ai giúp em trông bé không? Không à? Vậy thì không biết em xoay sở ra sao.

– Ôi, sinh con vào mùa đông vất vả lắm, bé quấy khóc suốt.

–…

Điều bà bầu mong muốn nhất trong thai kỳ là mẹ tròn con vuông. Bạn không cần phải quan tâm đến kế hoạch chăm sóc con và cách sắp xếp cuộc sống sau sinh của họ. Đối với những dự định, kế hoạch xa xôi này thì bạn hãy cẩn thận khi nói với bà bầu để tránh khiến họ thêm lo lắng. 

11. Nhận xét về sức khỏe và tình trạng bà bầu

– Chị dạo này trông xanh xao quá.

– Em trông nặng nề quá rồi.

– Có bầu đúng là tàn tạ đi nhỉ.

–…

Mang thai là một hành trình đầy khó khăn với mẹ bầu vì họ phải trải qua nhiều đau đớn, khó chịu và mệt mỏi. Những tháng đầu nghén hay tháng cuối bụng bầu đã lớn và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sức khỏe bà bầu có thể bị ảnh hưởng và khiến họ mệt mỏi. Họ đã phải hy sinh rất lớn và chịu đựng trong một thời gian dài. Những nhận xét về sức khỏe sẽ làm tổn thương họ rất lớn và có thể khiến họ tự ti nên bạn hãy cẩn thận khi nói với bà bầu những điều này nhé.

12. Can thiệp quá sâu vào sinh hoạt của bà bầu

Sao chlại ăn cái này, không tốt cho em bé đâu.

Ăn cái này sẽ làm cho thai nhi bị thiểu năng đấy.

Em làm như vậy là không đúng đâu, phải nghĩ đến con chứ.

–…

Bà bầu luôn bị người khác dạy cách phải làm thế này, thế kia và trách móc họ vô tâm, không quan tâm tới em bé trong bụng. Thật ra người mẹ nào cũng yêu con và mong muốn những điều tốt nhất cho con mình và chỉ có bà bầu mới biết thế nào là tốt nhất. Vì vậy, bạn đừng dọa nạt hay can thiệp vào sinh hoạt của bà bầu một cách vô lý như vậy nhé.

Bà bầu luôn rất cần sự thông cảm, quan tâm và động viên từ người thân và bạn bè để vượt qua khó khăn trên hành trình làm mẹ. Bạn hãy chú ý những điều cần cẩn thận khi nói với bà bầu để sự quan tâm của mình không vô tình làm cô ấy tổn thương nhé!

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Blog Sống Khỏe Bài Thuốc Nam Bắc Việt

About Bài Thuốc Nam Bắc Việt

Check Also

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ 7

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Phụ Lục Bài ViếtTìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏTrật …

Trả lời