Phụ Lục Bài Viết
Bé chảy nước mũi khi mọc răng có sao không?
Nhiều người tin rằng việc sổ mũi, sốt, đau, khó chịu và chảy nước mũi khi mọc răng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học đằng sau những niềm tin này không chỉ đơn giản như thế.
Mọc răng có thể khiến trẻ gặp một số khó chịu như đau nướu, phát ban, sốt… nhưng liệu bé chảy nước mũi khi mọc răng có bình thường không? Nếu bé của bạn cũng có triệu chứng này thì bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý cho bé nhé.
Các triệu chứng thường gặp khi mọc răng
Để biết bé chảy nước mũi khi mọc răng có bình thường không, bạn hãy tìm hiểu về những triệu chứng thường gặp và ít gặp ở bé mọc răng.
Các triệu chứng thường gặp của quá trình mọc răng ở trẻ:
- Quấy nhẹ
- Chảy nước dãi
- Muốn nhai tất cả mọi thứ bé thấy
- Phát ban mặt do nước dãi chứa các hạt thức ăn nhỏ kích thích da
- Đau nướu nhẹ do vi trùng trong miệng xâm nhập vào nướu răng. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều có triệu chứng này
Mọc răng thường ít gây ra các triệu chứng:
- Ho
- Sốt cao
- Ói mửa
- Khóc quá nhiều
- Ngủ không ngon
- Không chịu uống
- Tiêu chảy hoặc ra phân lỏng
Nguyên nhân gây chảy nước mũi ở trẻ em
Mũi thường xuyên sản xuất chất nhầy, một loại chất lỏng giữ ẩm cho mũi và cản vi trùng xâm nhập. Lượng chất này thường chảy xuống cổ họng và vào cơ thể. Chảy nước mũi xảy ra khi chất nhầy được sản xuất quá nhiều và chảy qua mũi thay vì chảy xuống cổ họng.
Chất nhầy có thể dày hoặc mỏng, trong suốt hoặc mờ đục. Triệu chứng chảy nước mũi thường sẽ tự biến mất. Trẻ dù có trong quá trình mọc răng hay không cũng có thể bị chảy nước mũi do một số nguyên nhân như:
• Thời tiết lạnh: Thời tiết có thể gây ra phản ứng khiến cho cơ thể tiết ra nhiều chất nhờn hơn.
• Khóc: Khi bé khóc, nước mắt có thể đi qua khoang mũi và vào mũi.
• Kích ứng: Chảy nước mũi có thể do tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, chẳng hạn như khói và ô nhiễm.
• Cảm lạnh và cúm: Những bệnh nhiễm trùng do virus này có thể làm cho khoang mũi đầy nước nhầy, tạo ra tắc nghẽn dẫn đến chảy nước mũi.
• Viêm xoang: Trong thời gian bé bị bệnh, xoang chứa đầy chất nhầy nên có thể bị nhiễm trùng và tắc nghẽn. Tuy nhiên, các xoang của trẻ sơ sinh không phát triển đầy đủ và loại nhiễm trùng này không phổ biến ở trẻ sơ sinh.
• Nhiễm trùng adenoid: Các adenoid là các mô ở mặt sau của mũi. Ở trẻ em, nhiễm trùng trong mô này có thể dẫn đến chảy nước mũi.
Ngoài những nguyên nhân trên, bé có thể bị chảy nước mũi do các nguyên nhân ít phổ biến hơn như:
• Tắc cửa mũi sau: Bệnh lý này xảy ra khi xương hoặc mô đóng lại phía sau mũi. Nếu cả hai bên cửa mũi bị chặn, các bác sĩ thường phát hiện ra ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ một bên bị chặn, bác sĩ có thể phải mất thời gian hơn mới phát hiện.
• Xương mũi hẹp: Khi xương ở mũi bị hẹp, hoạt động của mũi sẽ bị cản trở và gây chảy nước mũi.
• Vách ngăn mũi bị lệch: Vách ngăn mũi là bức tường của xương và sụn phân cách hai bên của mũi. Trong một số trường hợp, vách ngăn có thể nghiêng về một bên và gây tắc nghẽn. Tật này có thể là bẩm sinh, hoặc là hậu quả của một chấn thương mũi.
• Polyp mũi: Những polyp này trong lớp lót của mũi có thể khiến bé bị chảy nước mũi.
• U nang hoặc khối u ở mũi: Trong trường hợp hiếm hoi, mũi có thể có một số khối u cản trở sự lưu thông của dịch mũi. Khối u có thể do ung thư và thường chỉ phát triển ở một bên mũi.
Mọc răng ở trẻ có gây chảy nước mũi không?
Một em bé bình thường mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi và có một bộ răng hoàn chỉnh gồm 20 chiếc khi đủ 30 tháng tuổi. Thời gian mọc răng cho mỗi chiếc thường mất 8 ngày. Thường bé cần khoảng 4 ngày để bắt đầu mọc răng khỏi nướu và răng tiếp tục mọc trong 3 ngày sau đó.
Nhiều người chăm sóc trẻ nhận thấy các triệu chứng như chảy nước mũi hoặc sốt thường xuất hiện trước khi trẻ mọc răng. Nhưng một số chuyên gia tin rằng những triệu chứng này không liên quan trực tiếp đến sự mọc răng. Bệnh Viện Nhi Đồng Seattle (The Seattle Children’s Hospital) cũng cho rằng việc mọc răng không gây ra sổ mũi, sốt, tiêu chảy hoặc phát ban.
Một số chuyên gia lại tin rằng việc bé chảy nước mũi khi mọc răng không phải do bản thân quá trình mọc răng mà do trẻ bị nhiễm trùng. Việc nhiễm trùng này có thể do:
• Stress khi mọc răng: Trẻ khi mọc răng thường trải qua một số cảm giác khó chịu, dẫn tới stress. Việc này khiến trẻ dễ mắc các nhiễm trùng hơn.
• Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch trẻ có được từ khi trẻ vừa sinh ra và từ sữa mẹ sẽ giảm ở tuổi mọc răng nên trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn.
• Trẻ tương tác nhiều hơn với thế giới: Trẻ tuổi mọc răng bắt đầu cầm nắm, gặm, mút các vật xung quanh và tiếp xúc với nhiều loại mầm bệnh khác nhau.
Khi nào bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Khi bé quấy khóc dữ dội hoặc bị sốt cao, bạn nên đưa trẻ đi khám. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng tai.
Nếu triệu chứng chảy nước mũi không biến mất, có thể trẻ đã mắc một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nếu trẻ chảy nước mũi trong hơn 10 ngày, bạn nên đưa trẻ đi khám.
Nhiều người thường cho rằng bé chảy nước mũi khi mọc răng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy mọc răng gây ra chảy nước mũi, sốt, tiêu chảy, nôn mửa hoặc quấy khóc dữ dội. Vậy nên khi thấy trẻ có các triệu chứng kể trên, bạn hãy cho trẻ đi khám ngay để đề phòng trẻ bị một số nhiễm trùng nhé.
Thanh Tùng | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề: