Home / Blog Bài Thuốc Nam Bắc Việt / Đảm bảo an toàn ở khu vui chơi cho con: chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

Đảm bảo an toàn ở khu vui chơi cho con: chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

Đảm bảo an toàn ở khu vui chơi cho con: chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

Khu vui chơi là nơi trẻ có thể là chính mình và khám phá mọi thứ. Các thiết bị vui chơi ở đây luôn hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm cho trẻ. Bạn hãy tìm hiểu những cách giữ an toàn ở khu vui chơi để con có niềm vui trọn vẹn nhé.

Heather Clare, mẹ của ba người con, đưa bé Meadow mới 12 tháng tuổi đến khu vui chơi. Do bé còn nhỏ nên không thể tự chơi trò cầu tuột. Chị đã đặt bé vào lòng và tuột cùng con. Chẳng may, chân của bé bị vướng vào cầu tuột và bị gãy.

cầu tuột

Việc đặt con vào lòng và tuột cầu tuột cùng con cũng khá phổ biến ở nhiều bố mẹ. Do đó, chị chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook để các bà mẹ có con nhỏ cùng cảnh giác và đã được hơn 100.000 lượt chia sẻ. Tai nạn ở khu vui chơi xảy ra khá phổ biến dù nơi này được thiết kế cẩn thận để đảm bảo an toàn cho trẻ. Những tai nạn này hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn và bé thực hiện những cách an toàn ở khu vui chơi sau đây.

Cách giữ an toàn ở khu vui chơi cho trẻ

Khu vui chơi có rất nhiều thiết bị vui chơi thú vị như cầu tuột, xích đu, thang leo… Mỗi trò đều có thiết kế khác nhau nên đều cần có cách giữ an toàn riêng. Bạn hãy tham khảo những cách giữ an toàn ở khu vui chơi khi trẻ chơi những trò phổ biến sau đây:

1. Xích đu

Trò này là một trong những nguyên nhân gây chấn thương cho trẻ lớn nhất. Bạn vẫn có thể cho trẻ chơi xích đu an toàn khi:

  • Ghế ngồi của xích đu phải được làm từ những vật liệu mềm như cao su hay nhựa. Bạn nên tránh cho con chơi xích đu bằng gỗ hay sắt.
  • Trẻ không nên đứng hay quỳ khi chơi xích đu. Bạn hãy cho trẻ ngồi vững vàng và nắm dây xích đu bằng cả hai tay.
  • Trẻ cần đợi xích đu hoàn toàn dừng hẳn nếu muốn xuống xích đu.
  • Trẻ cần giữ một khoảng cách an toàn và không nên đi hay chạy quanh xích đu khi người khác đang chơi xích đu.
  • Không nên để nhiều trẻ ngồi lên xích đu cùng lúc. Xích đu không an toàn khi có nhiều người cùng chơi.

2. Bập bênh

Bập bênh không có miếng đệm ở hai đầu không an toàn cho trẻ ở tuổi mẫu giáo. Những trẻ lớn hơn cũng nên chơi thật cẩn thận.

  • Mỗi bên của bập bênh chỉ nên có một trẻ.
  • Ở hai đầu, cần có 2 trẻ có cân nặng tương đương để chơi an toàn hơn.
  • Hai trẻ trên bập bênh phải ngồi quay mặt vào nhau, không nên quay mặt ra ngoài.
  • Trẻ cần nắm chắc tay cầm của bập bênh bằng cả hai tay và không được dùng tay đẩy bập bênh. Hai chân của trẻ phải để sang hai bên tránh kiểu ngồi một bên.
  • Trẻ cần giữ khoảng cách khi trẻ khác đang chơi bập bênh. Trẻ không được đứng hay ngồi dưới bập bênh, trèo lên bập bênh và đứng ở giữa khi nó vẫn đang chuyển động.

3. Cầu tuột

Cầu tuột khá an toàn cho trẻ em nếu bé chơi đúng cách:

  • Khi leo lên cầu tuột, trẻ phải dùng cầu thang, bước từng bước một và vịn chắc tay cầm, không được leo lên máng trượt.
  • Trẻ phải tuột trong tư thế ngồi thẳng, chân xuống trước, không nên nằm sấp tuột.
  • Tuột từng bé một. Bạn không nên để nhiều bé tuột một lúc hay để bé ngồi lên đùi và tuột cùng bé.
  • Trẻ nên kiểm tra xem chân máng trượt có vật cản không trước khi tuột. Sau khi tuột, trẻ nên ra khỏi máng tuột để không cản đường trẻ khác sắp xuống.
  • Kiểm tra máng tuột không có vật nhọn hay bị rỉ sét.
  • Trẻ phải mặt quần áo gọn gàng khi tuột.
  • Bạn hãy kiểm tra xem máng tuột có nóng không trước khi cho trẻ leo lên cầu tuột. Có bé bỏng tới cấp độ 2 khi chơi cầu tuột nóng.

4. Các trò chơi leo trèo

Có rất nhiều trò chơi leo trèo cho trẻ như leo núi, vòm leo hay thang dây. Đây là các trò chơi thú vị nhưng cũng khá nguy hiểm nên bạn hãy lưu ý những điểm sau:

  • Bạn luôn phải để mắt đến con khi trẻ chơi những trò này. Bạn cũng cần dạy con cách leo bằng hai tay và cách cong gối và tiếp đất bằng cả hai chân khi nhảy xuống.
  • Không để quá nhiều trẻ cùng leo một lúc.
  • Khi trèo xuống, trẻ cần quan sát cẩn thận những trẻ đang leo lên.
  • Không với hay trèo những nơi quá xa tầm tay.
  • Trẻ cần chọn độ cao phù hợp với độ tuổi của mình. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không nên chơi những thiết bị leo trèo cao quá 1,5m, còn những trẻ đã trên 6 tuổi có thể chọn những thiết bị dưới 2m.

5. Nhà chơi cho bé

Khu trò chơi thường có rất nhiều trò chơi thú vị với bé. Khi cho bé chơi ở khu trò chơi trong nhà, bạn hãy kiểm tra những điểm sau:

  • Lưới hoặc dây thừng không rách, đứt.
  • Sàn nhà phải có thảm. Kiểm tra xem chất lượng của thảm có tốt không, thảm có rách không.
  • Đọc kỹ quy định an toàn và lứa tuổi thích hợp với từng trò chơi. Bạn không nên cho những trẻ lớn hơn vào khu trò chơi của trẻ nhỏ và ngược lại.
  • Trẻ cần mặc đồ gọn gàng, không đeo vòng cổ hay bông tai.
  • Một số nhà có máng trượt dạng ống kín làm người chơi không thấy được chân ống có vật cản hay không. Bạn hãy dặn trẻ không được đứng gần chân ống trượt hay leo vào bên trong ống theo chiều ngược lại.

Dạy con vui chơi an toàn ở khu vui chơi

dạy con chơi an toàn ở khu vui chơi

Việc kiểm tra độ an toàn của những trò chơi trong khu giải trí và quan sát con chơi sẽ chưa đủ để đề tránh tai nạn có thể xảy ra cho trẻ. Bản thân trẻ cũng cần biết cách bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác khi chơi. Bạn hãy dạy con những điều sau đây:

  • Không được đẩy bạn hay nô đùa thái quá khi đang chơi.
  • Dạy trẻ cách chơi các trò chơi trong khu giải trí sao cho đúng và an toàn như phải tuột chân xuống trước, không đứng lên xích đu, không trèo qua hàng rào…
  • Trước khi tuột hay nhảy xuống một thiết bị nào đó, bé luôn phải kiểm tra xung quanh xem có ai đang cản đường mình hay không. Bé phải dùng cả hai chân và cong nhẹ đầu gối khi tiếp đất.
  • Để xe, ba lô hay giỏ xách ra xa chỗ chơi để không ai bị vấp phải những vật này.
  • Luôn đội nón bảo hiểm khi đạp xe nhưng tháo nón khi chơi các thiết bị vui chơi trong khu giải trí.
  • Không chơi các thiết bị đang ướt vì nước có thể làm bé trượt chân.
  • Kiểm tra cẩn thận các thiết bị vui chơi vào mùa hè. Những thiết bị này có thể rất nóng và gây bỏng khi để dưới nắng gắt mùa hè, đặc biệt là máng tuột bằng sắt, tay cầm và bậc thang. Nếu bé thấy nóng khi chạm vào thì thiết bị đó không an toàn vì trẻ có thể bị bỏng chỉ sau vài giây chơi trên thiết bị đó.
  • Mặc quần áo gọn gàng. Các loại áo nhiều dây buộc, ví hay dây chuyền đều có thể mắc vào thiết bị vui chơi và làm bé ngạt.
  • Luôn sức kem chống nắng cho trẻ em ngay cả vào những ngày trời mát để bảo vệ da và tránh cháy nắng.

Khu vui chơi là nơi trẻ có thể thoải mái chạy nhảy, nô đùa. Vì thế, bạn hãy bảo vệ con khỏi những tai nạn tiềm ẩn tại khu vui chơi để con không còn sợ nếu từng gặp tai nạn tại đây nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Blog Sống Khỏe Bài Thuốc Nam Bắc Việt

About Bài Thuốc Nam Bắc Việt

Check Also

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ 7

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Phụ Lục Bài ViếtTìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏTrật …

Trả lời