Phụ Lục Bài Viết
Đề phòng hiểm họa từ bệnh chốc lở ở trẻ em
Bệnh chốc lở ở trẻ em bắt đầu với những bóng nước nhỏ rồi từ từ lan rộng ra khắp nơi trên cơ thể. Chẩn đoán và điều trị đúng lúc rất cần thiết để phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra, nhất là nhiễm trùng da.
Bệnh chốc lở là tình trạng nhiễm khuẩn da gây ra bởi liên cầu khuẩn hay tụ cầu khuẩn. Vi khuẩn có thể xâm nhập lớp da nông hay sâu tùy trường hợp. Có 3 loại chốc lở:
- Chốc không có bọng nước: Đây là dạng chốc lở phổ biến nhất gây vết lở và những bóng nước nhỏ hơn, có thể do cả khuẩn liên cầu và tụ cầu.
- Chốc bọng nước: Dạng chốc này nặng hơn, có thể gây các bóng nước lớn như bị phỏng chứa nhiều mủ và có thể vỡ. Chốc bọng nước sẽ lâu lành hơn so với chốc không bọng nước. Chỉ có khuẩn tụ cầu mới gây ra dạng chốc này.
- Chốc loét: Một dạng nặng nhất của bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào lớp sâu của da. Chốc loét có thể do khuẩn liên cầu, tụ cầu hoặc cả hai gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh chốc lở ở trẻ em
Dưới đây là những nguyên nhân của bệnh chốc lở ở trẻ em:
- Tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn: Trẻ có thể bị viêm nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ ai đang bị chốc lở.
- Chạm vào đồ vật người bệnh từng dùng: Vi khuẩn trên những món đồ chơi hay vật dụng cá nhân của người đã bị chốc lở có thể lây lan cho trẻ nếu trẻ đụng vào những đồ vật trên.
- Nhiễm trùng từ ban trên cơ thể: Việc trẻ gãi các ban trên da như vết côn trùng cắn có thể gây đau và tổn thương da, từ đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào và gây bệnh.
Một vài bệnh và khả năng miễn dịch của trẻ cũng góp phần khiến trẻ dễ mắc bệnh chốc lở hơn.
Triệu chứng của bệnh chốc lở
Triệu chứng đầu tiên của bệnh có thể khởi phát ở bất cứ đâu trên cơ thể từ ngày đầu tiên cho đến 10 ngày sau khi nhiễm khuẩn tùy thuộc vào từng loại chốc lở.
1. Triệu chứng của chốc không bọng nước
- Triệu chứng đầu tiên của chốc này là đỏ quanh mũi và vùng da trên môi.
- Vùng bị đỏ sẽ sưng, lây lan qua các vùng da khỏe mạnh ở mũi và cằm.
- Những vùng bị đỏ này sẽ chuyển thành các vết thương màu vàng đỏ hay các cục sưng. Màu vàng của vết thương là do sự tích tụ mủ do các bạch cầu chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Cục sưng vỡ ra và vết thương trở nên ẩm ướt bởi chất dịch.
- Sau vài ngày, vết sưng đã vỡ sẽ chuyển thành màu đỏ nâu với lớp vảy bao quanh chỗ lở. Trong giai đoạn này, vết lở sẽ khô và vảy dễ bong ra.
- Vết lở sẽ không đau nhưng rất ngứa và trẻ sẽ có xu hướng gãi thường xuyên.
2. Triệu chứng của chốc bọng nước
- Triệu chứng đầu tiên khởi phát là những tổn thương màu hồng đỏ đường kính khoảng 2cm ở bất cứ đâu trên cơ thể.
- Dần dần, bóng nước lớn hơn và có dịch bên trong.
- Dịch sẽ dần chuyển màu vàng vì đang hình thành mủ. Tổn thương lớn dần đồng thời hình thành nhiều bóng nước nhỏ xung quanh.
- Bóng nước vỡ ra và chất dịch sẽ chảy ra ngoài. Lớp bên ngoài của bóng nước sẽ khô và hình thành lớp trắng bao quanh tổn thương, rồi chuyển màu đỏ hay sẫm sau vài ngày.
- Bóng nước do chốc này thường xuất hiện ở những nếp gấp da, ví dụ như vùng mặc tã hay cổ.
3. Triệu chứng của chốc loét
- Vết lở lớn chứa nhiều mủ thường xuất hiện ở chân. Vết lở do chốc này cũng có thể xuất hiện ở mông trẻ.
- Vết lở sẽ ngày càng rộng và sâu hơn. Bạn có thể thấy tổn thương sâu bằng cách quan sát độ lún của trung tâm vết lở so với bề mặt da.
- Lúc này, vết lở có thể rộng hơn 2,5cm và thành vết loét. Chốc loét có thể ngứa nhưng thường đau đớn nhiều hơn.
- Khi vết lở loét trên khô đi sẽ chuyển màu từ vàng thành đỏ tía.
Thỉnh thoảng trẻ có thể bị sốt nhẹ khi vi khuẩn lan tràn sang vùng da khỏe mạnh. Vì thế, hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu bạn nghi trẻ bị chốc lở.
Cách điều trị bệnh chốc lở cho trẻ
Dưới đây là hai biện pháp giúp điều trị bệnh:
1. Kháng sinh bôi ngoài da
Kháng sinh bôi ngoài da hiệu quả nhất là mupirocin dùng để điều trị chốc lở. Bác sĩ sẽ cho trẻ bôi kem mupirocin hay dầu chứa mupirocin và những chất phụ gia khác, tùy thuộc vào mức độ của bệnh chốc.
Thuốc bôi kháng sinh được bôi lên những vùng da bị nhiễm trùng hay xung quanh. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn dùng nước ấm rửa sạch vết lở trước. Việc này giúp loại bỏ mảng da chết và giúp da dễ hấp thu kháng sinh hơn.
Kháng sinh bôi có ít tác dụng phụ hơn nên nhiều người thường chọn cách này để chữa cho bệnh chốc cho trẻ em.
2. Kháng sinh uống
Kháng sinh uống sẽ được dùng khi chốc lở đã lan rộng nhiều. Kháng sinh thường được dùng là penicillin và amoxicillin. Chúng sẽ gây vài tác dụng phụ như đau bụng nên bác sĩ thường tránh kê đơn thuốc này.
Tình hình của trẻ sẽ tốt hơn sau vài ngày điều trị. Nhiễm trùng sẽ biến mất trong 10 ngày đến 2 tuần, phụ thuộc vào mức độ lan rộng của nhiễm trùng.
Bạn nên hoàn thành liệu trình điều trị cho dù tình trạng của trẻ đã cải thiện sau vài ngày. Điều này giúp hạn chế sự tái phát và ngăn ngừa hình thành các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Chốc không có bọng nước hay có bọng nước đều không để lại sẹo nhưng chốc loét có thể để lại sẹo.
Cách chăm sóc trẻ bị chốc lở tại nhà
Dưới đây là những lưu ý giúp trẻ bị chốc nhanh hơn và ngăn ngừa sự lan tràn của nhiễm trùng:
- Che vết lở: Da chết từ vết lở và chất dịch từ bóng nước có thể lây lan vi khuẩn đến các phần khác của cơ thể và những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Vì thế, bạn nên che vết lở lại. Bạn hãy chọn quần áo vừa thoải mái vừa che được vết lở cho trẻ. Bạn cũng có thể che vết lở bằng những miếng gạc mỏng.
- Cắt móng tay cho trẻ: Bệnh chốc lở ở trẻ em thường lây lan từ vùng da này sang vùng khác thông qua móng tay. Bạn hãy cắt móng tay cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng và khi gãi, trẻ sẽ ít bị tổn thương da, gây vỡ bóng nước hơn.
- Không mặc tã cho trẻ: Chốc bọng nước có thể gây các vết lở quanh vùng mặc tã. Bạn hãy cởi tã vài phút một ngày để trẻ được khô thoáng. Sự thông thoáng khí sẽ giúp các vết lở nhanh khô hơn và nhanh lành hơn.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ: Con bạn có thể chạm vào vết lở và lây sang vùng da lành hay lây cho người khác. Do đó, bạn nên rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn an toàn mỗi 6 giờ để ngăn ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu trên tay trẻ.
- Rửa vết loét một lần mỗi ngày với nước ấm: Bên cạnh việc tắm nước ấm mỗi ngày, rửa vết lở một lần mỗi 8 – 12 giờ với nước ấm sẽ giúp vết lở nhanh lành hơn. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để thêm một số loại nước diệt khuẩn vào nước tắm của trẻ.
- Giặt đồ trẻ riêng: Dùng nước ấm để giặt quần áo trẻ và giặt riêng với mọi người. Bạn nên dùng nước giặt có tính kháng khuẩn đồng thời rửa sạch đồ chơi trẻ và cả đồ dùng cá nhân như khăn tắm bằng cách chất tẩy rửa diệt khuẩn.
- Để trẻ ở trong nhà: Tránh để trẻ ra ngoài hay gửi trẻ đến nhà trẻ. Trẻ bị chốc có thể lây lan cho các trẻ khác rất nhanh.
- Các thành viên trong gia đình nên cẩn thận hơn: Bạn nên rửa tay mỗi khi lau vết lở cho trẻ, sau khi bạn bế hay đụng vào đồ chơi của trẻ. Bạn cũng nên lưu ý những thành viên khác trong gia đình giữ khoảng cách với trẻ và hạn chế đụng chạm vào đồ dùng của trẻ.
Bệnh chốc lở sẽ ngừng lây lan sau 48 giờ điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn trọng cho đến khi vết lở loét khô hoàn toàn.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chốc lở ở trẻ em
Bạn có thể dễ dàng phòng ngừa chốc lở cho trẻ với những bước sau:
1. Giữ vệ sinh: Chốc lở gây ra do vi khuẩn liên cầu và tụ cầu thường được tìm thấy ở môi trường xung quanh. Bạn nên giữ gìn vệ sinh môi trường quanh nhà và xung quanh trẻ bằng cách rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh và sau khi từ ngoài về nhà để ngừa nhiễm khuẩn.
2. Giữ trẻ cách ly với người bị cảm lạnh: Nếu bạn hay các thành viên khác trong gia đình bị cảm lạnh thì hãy cách ly bé ra nhé. Nếu bạn là người chăm sóc trẻ và lại bị cảm, hãy mang khẩu trang khi ôm bé. Cảm lạnh hay đau họng thường do liên cầu gây ra và có thể gây bệnh chốc lở ở trẻ em.
3. Tránh gãi các vết thương và vết lở: Nếu trẻ có vết thương hay do côn trùng cắn, bạn hãy che nó bằng miếng gạc mỏng để trẻ không gãi được. Cắt móng tay trẻ cũng là biện pháp bảo vệ hiệu quả.
4. Đừng dùng chung vật dụng cá nhân: Bạn nên dùng riêng khăn tắm, quần áo và đồ nấu ăn cho trẻ. Bạn không nên cho trẻ dùng chung đồ với anh chị em khác trong nhà vì bệnh chốc có thể lây lan nhanh.
6. Giữ mũi trẻ sạch sẽ khi trẻ bị cảm: Liên cầu và tụ cầu thường trú tại mũi và có thể gây sổ mũi, cảm lạnh. Nhiều chuyên gia còn khuyên bạn nên bôi lớp kem kháng khuẩn quanh mũi và trên môi để tránh vi khuẩn xâm nhập vào da. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc này trước khi dùng.
Bạn nên chú ý những tổn thương bất kỳ xuất hiện trên da trẻ. Hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu bạn thấy bất thường, việc phát hiện sớm và điều trị bệnh có thể giúp triệu chứng nhanh biến mất hơn và ngừa được nhiều biến chứng cho trẻ.
Có liên quan
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề: