Phụ Lục Bài Viết
YOGA VÀ GIẢM CÂN.
Cái này thì chắc là nhiều người quan tâm, vì có không ít bạn tìm đến Yoga với mục đích giảm cân. Có một điều chắc chắn là tập Yoga có thể giảm cân, cũng có thể giảm mỡ bụng vì Yoga có rất nhiều tư thế hỗ trợ giảm cân rất hiệu quả. Thế nhưng cũng có một sự thật không mấy vui vẻ cho lắm, đó là: Yoga cũng như những môn thể thao khác, muốn giảm cân thì phải kết hợp giữa việc tập Yoga với một CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG hợp lý.
Để có thể giảm cân hiệu quả, mọi người hãy tham khảo qua trên mạng xem món ăn gì có những chất dinh dưỡng gì. Sau đó thì xem cơ thể mình có thể thích nghi với những món nào, có thời gian để nấu nướng ra sao… rồi tự xếp cho mình một cái list thực đơn lý tưởng, kết hợp với việc tập yoga thường xuyên.
Nếu mọi người làm được như thế, thì chỉ cần đến phòng tập yoga ngày 1 tiếng là có thể giảm cân rồi đấy ạ.
CHỌN GIÁO VIÊN ĐỂ BẮT ĐẦU VỚI YOGA.
Nếu là lần đầu tiên đến với Yoga, thì mọi người nên tìm học các giáo viên người Việt Nam, hoặc là những giáo viên nước ngoài biết nói tiếng Việt Nam. Yoga bắt nguồn từ Ấn Độ nên chúng ta thường nghĩ các giáo viên đến từ Ấn Độ là sự lựa chọn tốt nhất để bắt đầu. Sự thật thì Yoga đúng là xuất phát từ Ấn Độ nhưng các bậc thầy Yoga thì có ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. Nếu mọi người không tin, cứ lên google search và gõ ‘các giáo viên Yoga Việt Nam’, mọi người sẽ thấy rất nhiều người giỏi không kém gì các bậc thầy Ấn Độ.
Nhưng, tại sao nên chọn giáo viên người Việt Nam khi bắt đầu đến với Yoga? Lý do rất đơn giản: ngôn ngữ. Các giáo viên Ấn Độ thì không nói tiếng Việt, điều này chắc chắn rồi, nếu có thì cũng rất ít. Họ cũng không dùng tiếng Ấn, thường thì họ dạy chúng ta bằng tiếng Anh. “Ồ, tiếng Anh thì đơn giản quá. Mình biết tiếng Anh mà, thế nên mình có thể vào học lớp nào có thầy Ấn Độ dạy mà chẳng phải lo lắng gì.” Có ai đang tự thốt lên câu ấy không ạ? Nếu có thì xin làm các bạn cụt hứng một chút nhé, vì trong Yoga, không phải nghe được điều thầy nói là có thể làm được điều thầy làm ( chưa nói đến việc tiếng Anh của người Ấn thì khó nghe vô cùng). Lấy một ví dụ nhé, với một tư thế đơn giản thôi: NGỒI THIỀN.
Tư thế này khi tập thường thì các giáo viên nói tiếng Anh sẽ nói: “Cross your legs, keep your back straight, put your hands over your knees, make the Mudra. Close your eyes, relax your body, relax your mind, focus on your breath.” Nếu ai biết tiếng Anh thì câu này quá đơn giản phải không ạ? Nó có nghĩa đại khái là: “Bắt chéo hai chân của bạn, giữ lưng thẳng, đặt hai bàn tay trên gối trong tư thế thủ ấn (Mudra). Nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể và tâm trí của bạn, tập trung vào hơi thở.” Vâng, dịch ra tiếng Việt rồi thì bạn nào chưa từng học Yoga có biết làm không?
– Bắt chéo hai chân thì đơn giản rồi, chắc là ai cũng làm được đúng không.
-Bây giờ, giữ lưng thẳng nào. Cái này mọi người cũng nghĩ là dễ hiểu nè, nhưng lưng như thế nào là thẳng thì mọi người biết chưa?
– Rồi ‘đặt hai tay lên gối của bạn trong tư thế thủ ấn’? Đặt hai tay lên gối thì có thể mọi biết đấy nhưng thủ ấn là như thế nào? Các bạn nào chưa từng tập yoga có biết thủ ấn là như thế nào không? Đọc đến đây có thể mọi người sẽ lên google search để tìm hiểu về thông tin này, nhưng khoan nhé, mọi người đừng vội google search, hãy thử tập với một giáo viên Việt Nam dưới này xem nào.
Bây giờ thì chúng ta thử tập với một giáo viên nói tiếng Việt Nam. Với tư thế này, thường thì giáo viên sẽ nói như sau: “Ngồi xếp bằng hai chân hoặc nếu bạn làm được thì ngồi tư thế hoa sen. Cuộn vai ra sau, ưỡn ngực và hóp nhẹ bụng lại, giữ lưng thẳng. Đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ chạm vào nhau, các ngón tay còn lại để thoải mái, sau đó đặt hai mu bàn tay lên hai gối. Bây giờ hãy từ từ nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể và tâm trí, hãy tập trung vào hơi thở của mình.” Bây giờ thì bạn nào chưa từng tập yoga hãy làm thử xem:
– Xếp bằng hai chân thì quá đơn giản phải không ạ? Chúng ta làm đi nào.
-Tiếp theo, lưng thẳng…tức là cuộn vai ra sau nào, ưỡn ngực hóp bụng nhẹ nhàng nào…lúc này thì mọi người đã thấy được lưng thẳng là như thế nào chưa?
– Tiếp theo, “đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ chạm vào nhau, các ngón tay còn lại để thoải mái”. Vâng, đây chính là cách thủ ấn phổ biến trong Yoga. Mọi người đọc, hiểu và làm được đúng không?
– Và cuối cùng khi mọi người ‘đặt hai mu bàn tay lên hai gối’ thì tức là mọi người đang tập tư thế NGỒI THIỀN trong Yoga rồi đấy.
Đây là một tư thế rất đơn giản và thường được các giáo viên sử dụng để bắt đầu buổi tập. Bây giờ thì mọi người đã làm được tư thế này chưa? Nếu rồi thì từ từ nhắm mắt lại nào, hãy thả lòng tâm trí và tập trung nhìn vào hơi thở của mình để thả lòng cơ thể. Hãy cảm thấy được những dòng khí đang đi ra, đi vào từ mũi mình. Hãy vứt bỏ hết muộn phiền ra khỏi đầu óc và cảm nhận sự yên bình trong từng hơi thở. Nếu ai đang quan tâm đến Yoga thì hãy thử ngồi xuống và tập tư thế NGỒI THIỀN này xem nó là như thế nào nhé. Những giáo viên Việt Nam thường nói và giải thích rất kỹ càng bằng tiếng Việt, thứ tiếng mà có rất nhiều điều không thể diễn giải bằng tiếng Anh, thậm chí nếu có sự cảm nhận cơ thể tốt thì mọi người có thể tập đúng chỉ bằng những lời giải thích của họ mà không cần chỉnh sửa luôn đấy ạ.
Với một tư thế rất đơn giản là NGỒI THIỀN, khi học với giáo viên nói tiếng Anh chúng ta còn khó tập theo như vậy, thì những tư thế khác khó hơn, dễ chấn thương chúng ta theo như thế nào? Có thể mọi người sẽ nói là: nghe không được thì nhìn thầy làm và làm theo. Đúng là mọi người có thể nhìn nhưng mỗi người một cơ thể khác nhau, nhìn thầy làm tư thế đó nó như thế nhưng khi qua cơ thể của mọi người nó lại sai tét tè le ra, mà giáo viên thường thì dạy một lúc khá nhiều học viên, họ sẽ không có thời gian chỉnh sửa nhiều đâu, nên mọi người tập sai lại cứ thế sai. Yoga là một môn thể thao nguy hiểm, nếu tập không đúng sẽ bị chấn thương. Tập sai trong một hai ngày thì không sao nhưng nếu tập sai trong một thời gian dài thì lại là cả một vấn đề to lớn. Kiểu như là đang lành lặn khỏe mạnh bình thường rồi đi tập yoga về tự nhiên mang đủ thứ bệnh. Thế nên trước khi quyết định tập yoga mọi người hãy tìm hiểu kỹ kỹ một chút về môn này.
CẨN THẬN VỚI CƠ THỂ MÌNH KHI ĐƯỢC GIÁO VIÊN CHỈNH SỬA
Mọi người khi đi tập nếu được giáo viên chỉnh sửa thì cũng nhớ cẩn thận nhé, nhớ là khi mình ‘đau vừa đủ’ rồi thì bảo giáo viên dừng lại đừng ép nữa, nếu giáo viên cứ cố ép thì mọi người nên phản ứng lại đừng ngại gì. Nếu mọi người không phản ứng mà cứ để giáo viên chỉnh quá mức thì sẽ bị tổn thương các cơ, các khớp, lâu dần sẽ thành bệnh mãn tính khó chữa đấy ạ. Cơ thể là của mọi người, sức khỏe cũng là của mọi người nên hãy ‘chiến đấu’ và bảo vệ nó nhé. Còn việc giáo viên không vui thì mọi người cứ kệ, chả sao cả. Vui buồn chỉ là cảm xúc thôi mà, sức khỏe của mọi người quan trọng hơn nhiều chứ.
‘ĐAU ĐÚNG’ VÀ ‘ĐAU SAI’ KHI TẬP YOGA.
Khi tập yoga, nếu mọi người “tập đúng, tập đủ” thì các cơ và khớp sẽ ĐAU Ở MỨC VỪA PHẢI và cái đau đó rất là dễ chịu. Nó không đau buốt gân cũng không đau nhói vào trong xương, mà là cái đau đủ cho các cơ và các khớp tổn thương nhẹ để trong lần tập sau có thể giãn ra thêm chút nữa. Tổn thương nhẹ là như thế nào? Mọi người hãy tưởng tượng như thế này, xương – khớp – cơ chúng ta trước nay không vận động gì và nó như bị rỉ sét lại, đến khi tập yoga, các bộ phận đó được tác động vào và lớp rỉ sét đó sẽ từ từ bong dần ra. Mỗi ngày nó nhả một chút cho đến khi cái rỉ sét bong hết thì các khớp cơ của chúng ta được dọn sạch sẽ, máu huyết sẽ lưu thông đều. Đến lúc đó thì mọi người sẽ thấy ít đau hơn. Như thế này tức là mọi người đã ‘tập đúng, tập đủ’.
Thế nhưng nếu mọi người tập về và thấy bị đau nhói một cách khác thường, đau nhiều khi không hoạt động bình thường được thì cái đó là mọi người đã tập sai thư thế hoặc tập quá sức của mình. Tập sai tư thế thường dẫn đến tổn thương các khớp và đốt sống lưng, còn tập quá sức thường dẫn đến giãn dây chằng quá mức khó lành lại được. Trường hợp này nếu không tập nữa thì có thể trong vài năm có thể nó sẽ hết đau, còn cứ đi tập đều thì mọi người không nên tác động vào chỗ bị đau đó quá nhiều nhé, sẽ bị tổn thương nặng hơn đấy. Đau như thế này thì kiểu như rỉ sét chưa nhả ra mà chúng ta lấy dao đục cho nó ra ấy, nên để vết thương kiểu này lành lại thì cũng phải mất khá nhiều thời gian.
Có một điều dễ nhận biết nữa đó là cái đau khi ‘tập đúng, tập đủ’ nếu chúng ta không tập trong một vài tuần thì sẽ hết đau ngay, còn cái đau vì tập sai thì nó cứ nhói hoài không khỏi dù mọi người có đi tập hay không.
YOGA VÀ NHỮNG LỢI ÍCH.
Nếu mọi người kiên trì và tập yoga đúng cách, thì lợi ích mà nó mang lại sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng đấy ạ. Ngoài những lợi ích “thần thánh” mà trên mạng nói, thì sau đây là những lợi ích thực tế khác:
1) Lợi ích rõ rệt nhất đó là: Các cơ liên sườn được kéo giãn một cách tối đa, các khớp được vận động nên cơ thể không còn ù ì uể oải mà trở nên linh hoạt một cách lạ thường. Và vì được tập thể thao nên trí não trở nên nhạy bén một cách đáng ngạc nhiên. Với những ai ngồi nhiều thì sẽ thấy được lợi ích này ngay ngày tập đầu tiên đấy ạ. Nếu bạn nào là dân văn phòng thì nên đi tập Yoga đi nha, các bạn sẽ bị ghiền đấy ạ.
2) Về sức khỏe: thể lực tăng, sức đề kháng tăng, nếu tập đúng thì sẽ chữa được rất nhiều bệnh.
3) Dáng người được chỉnh lại rất là chuẩn: Lưng thẳng tắp vì cột sống được chỉnh sửa lại. Eo ngày càng nhỏ vì trong yoga có rất nhiều động tác xoắn eo. Mông căng tròn và đùi săn chắc vì trong Yoga cũng không thiếu các động tác cho mông và đùi. Bắp tay cũng săn chắc lại và bớt mỡ đi vì tập yoga chủ yếu tập về tay.
4) Với làn da, khi tập Yoga máu huyết lưu thông đều nên làn da cũng được cải thiện phần nào.
ĐỂ BẮT ĐẦU VỚI YOGA MỘT CÁCH TỐT NHẤT.
Để bắt đầu với môn yoga thì chúng ta cần những gì? Quần áo thoải mái và thảm tập ư? Đó là một điều hiển nhiên mà ai cũng biết rồi. Điều cần nói đến nhất là: chúng ta nên bắt đầu tập yoga từ đâu và tập như thế nào?
Khi một ai đó quyết định đi tập yoga, thì hoặc là họ đã nghe phong thanh về lợi ích ‘thần thánh’ của bộ môn này, hoặc là họ thấy những tấm hình yoga ở đâu đó và muốn làm được như thế… Có rất nhiều lý do để mọi người tìm đến với yoga, nhưng mục đích cuối cùng cũng là: vì sức khỏe, vì đẹp dáng đẹp da, hoặc là vì đam mê muốn chinh phục những tư thế đẹp và khó…v.v. Những mục đích đó có là gì thì chúng ta cũng phải BẮT ĐẦU trước đã.
Để bắt đầu cái bắt đầu đó thì phải bắt đầu từ YOGA CĂN BẢN. YOGA CĂN BẢN là yoga cho sức khỏe, yoga vì sức khỏe. Là yoga không thử thách mà chỉ tập đơn thuần như tập thể dục thôi. Đây là yoga cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tập và những người muốn tập lớp nâng cao cũng phải trải qua lớp yoga này. Vậy YOGA CĂN BẢN cụ thể là như thế nào? Đó chính là yoga ‘tập đúng tập đủ’. ĐÚNG là ĐÚNG VỀ TƯ THẾ và ĐỦ là ĐỦ VỀ THỬ THÁCH.
YOGA VÀ GIỚI TÍNH.
Vào lớp hoc yoga thường thấy toàn phụ nữ, chỉ thỉnh thoảng có vài anh con trai. Điều này cũng khá là dễ hiểu, vì thường chúng ta hay nghĩ yoga là bộ môn thiên về độ dẻo, mà các anh con trai thì chẳng có nhiều độ dẻo cho lắm, thế nên mặc nhiên mọi người nghĩ rằng yoga là dành cho phụ nữ, “phụ nam” chỉ nên tâp Gym thôi.
Thực chất thì yoga là một môn thể thao toàn diện, bao gồm độ dẻo, độ khỏe và cả về nội lực. Nó cũng tác động vào các cơ, tập cho toàn cơ thể. Thế nên là nam giới hay nữ giới cũng đều có thể tập yoga nhé mọi người.
YOGA CĂN BẢN _ ĐỦ VỀ THỬ THÁCH
ĐỦ VỀ THỬ THÁCH tức là sức mọi người đến đâu thì tập đến đó. Điều này đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Thử thách trong yoga có rất nhiều loại, như là thử thách về độ dẻo, về độ khỏe hay về độ giữ thăng bằng… Dù thử thách về cái gì thì là một người mới tập cũng không nên làm quá sức. Nếu tập tư thế có độ dẻo hoặc giãn cơ, hãy uốn và giãn đến khi thấy mình ‘đau vừa đủ’ và dừng lại. Nếu tập tư thế có độ khỏe, hãy để người mình ở mức ‘nâng vừa đủ’ và giữ ở đó. Nếu tập tư thế về thăng bằng, hãy điều chỉnh ở mức ‘không thể ngã’ và giữ thăng bằng. Tóm lại là hãy dừng lại ở mức ‘vừa đủ sức’ để tránh bị chấn thương hoặc bị ngã. Mọi người đừng nhìn những bạn tập bên cạnh và ráng theo họ nhé, vì cứ tập theo những thứ chúng ta chưa thể làm, sẽ có ngày mọi người bị chấn thương không mong muốn đấy.
Ý THỨC KHI BƯỚC VÀO PHÒNG TẬP YOGA.
Khi đến phòng tập Yoga, mọi người nên ý thức một chút nhé. Ý thức ở đây bao gồm: TÔN TRỌNG GIÁO VIÊN và TÔN TRỌNG BẠN TẬP, cũng như TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH.
Về cái TÔN TRỌN GIÁO VIÊN, mọi người còn nhớ cái thời chúng ta đi học không? Thời đó, khi chưa hết giờ thì chắc chắn không được ra khỏi lớp. Nếu ai đứng dậy bỏ ra, cô giáo sẽ phạt, và chắc chắn là bị phạt rất nặng. Cái đó dạy ta cách tôn trọng giáo viên, tôn trọng người đang đứng lớp truyền thụ cho chúng ta những bài học. Giáo viên Yoga cũng vậy, họ đứng trên bục dạy chúng ta những bài tập, mà những người đứng trên bục thì sẽ chẳng vui lòng nếu mọi người đi ra đi vào một cách rất vô kỷ luật như thế. Thế nên, khi đã đến lớp rồi thì mọi người không nên ra khỏi lớp khi chưa hết giờ, dù là cuối giờ giáo viên cho mọi người thư giãn nhé. Dù sao cũng tập cả tiếng rồi, thêm vài phút thư giãn thì có bao nhiêu đâu, chưa nói đến việc mấy phút thư giãn này là rất cần thiết khi kết thúc một chuỗi những bài tập dài.
Nói đến cái TÔN TRỌNG BẠN TẬP, trước khi vào phòng tập Yoga, mọi người nên tắt chuông điện thoại, và đặc biệt là không nghe điện thoại khi đang tập. Như thế thật là mất lịch sự và gây phiền nhiễu đến những người tập cùng với mình. Bạn hãy nghĩ xem, nếu mình đang tập trung vào việc hít thở và các chuỗi bài tập, đột nhiên tiếng chuông điện thoại đâu đó reo ầm ĩ cả lên, rồi cái người chủ điện thoại đó bắt máy lên và: “alo…tao nè…”. Vâng, mọi người có thấy bực không ạ?
Còn cái TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH, khi mọi người đang tập thì cũng không nên để cái điện thoại làm phiền sự tập trung của mình. Tập Yoga chúng ta cần sự tập trung cao độ để hoàn thành chuỗi bài cũng như để hít thở một cách tốt nhất, thế mà cái điện thoại để trước mặt màn hình cứ sáng lên khiến chúng ta tò mò xem ai gọi? Gọi có chuyện gì không?… Mà tập yoga chủ yếu là để “thân tịnh tâm an”, để cái điện thoại nó hành như thế thì còn an với tịnh thế nào được. Vậy thì chẳng khác gì không tập cả.
Thế nên khi vào phòng tập, tốt nhất là KHÔNG NÊN MANG ĐIỆN THOẠI THEO HOẶC LÀ TẮT CHUÔNG ĐIỆN THOẠI VÀ NÉM NÓ VÀO TRONG TÚI cho ‘khuất mắt’ mọi người nhé.
Có thể mọi người nói rằng quá là vớ vẩn khi mà chỉ một lớp học Yoga mà cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe như một lớp học thời trung học, tiểu học. Thế nhưng, tôn trọng người khác là một nguyên tắc cơ bản nhất trong đối nhân xử thế đấy ạ. Và muốn người khác đối xử với mình như thế nào thì hãy đối xử với người khác như thế ấy. Muốn người ta tôn trọng mình thì trước tiên mình hãy tôn trọng người ta đã, nhé mọi người. Chúng ta dành gần như cả ngày với chiếc điện thoại, tách ra khỏi nó 1 tiếng đồng hồ để tập trung cho bản thân mình chắc không khó đến mức không thể phải không ạ?