Phụ Lục Bài Viết
- Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh đúng cách
- Tại sao cần bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh?
- Dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu canxi
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh thiếu canxi
- Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh như thế nào?
- Vai trò của vitamin D trong việc hấp thụ canxi
- Những nguy hại với sức khỏe khi trẻ bị thừa canxi
- Phụ nữ cần bổ sung vitamin D để phòng thiếu canxi cho trẻ sơ sinh
Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh đúng cách
Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh là việc cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt canxi ảnh hưởng đến sự phát triển cho trẻ. Song bổ sung khoáng chất này cho bé như thế nào và liều lượng bao nhiêu là điều mà nhiều người quan tâm.
Canxi là một khoáng chất quan trọng cho cơ thể, giúp cơ thể hoạt động bình thường. Tình trạng thiếu hay thừa canxi đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc nhận biết những dấu hiệu trẻ thiếu canxi hay thừa khoáng chất này rất quan trọng… giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ. Bài viết này của Hello Bacsi sẽ đề cập đến vấn đề bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh với liều lượng như thế nào cho đúng.
Tại sao cần bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh?
1. Canxi là gì?
Canxi là một khoáng chất mà cơ thể cần để có một hệ xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, canxi còn giúp hệ thần kinh, cơ và các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động tốt. Nó cũng đóng vai trò trong việc điều hòa nhịp tim và giữ cho tim khỏe mạnh.
Nếu thiếu canxi, trẻ có nguy cơ gặp các biến chứng như tổn thương mắt, nhịp tim bất thường, còi xương, chậm lớn.
2. Tại sao cần bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh?
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần canxi và vitamin D để phòng ngừa bệnh còi xương. Trẻ mắc bệnh còi xương dễ bị gãy xương, còi cọc, chậm lớn và đôi khi đau hoặc yếu cơ.
Trẻ em cũng như người lớn đều cần canxi để có một hệ xương vững chắc, cơ thể khỏe mạnh. Nếu được cung cấp đầy đủ canxi, trẻ lớn lên sẽ có hệ xương khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ loãng xương khi lớn tuổi.
Bạn có biết 99% lượng canxi của cơ thể nằm ở xương và răng, 1% còn lại nằm trong tế bào máu. Tuy lượng canxi trong tế bào máu rất nhỏ nhưng lại giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nếu nồng độ canxi trong máu dưới 1%, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương và răng chuyển vào máu. Nếu trong máu không có canxi, cơ thể gần như ngưng hoạt động, gây ra những cơn co giật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu canxi
Tình trạng thiếu canxi ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bị thiếu canxi, trẻ sơ sinh thường có các dấu hiệu phổ biến sau:
- Thường hay vặn mình, trằn trọc khó ngủ, ngủ hay bị giật mình
- Quấy khóc thường xuyên
- Bú kém, có khi không bú mẹ
- Hay bị nấc hoặc hay bị ọc sữa
- Tóc rụng, dân gian gọi là rụng tóc hình vành khăn
- Chậm mọc răng
- Chân vòng kiềng, vẹo cột sống
- Chậm tăng trưởng
- Tim đập nhanh
- Hay đổ mồ hôi dù trời không nóng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh thiếu canxi
Trẻ sơ sinh chỉ có thể hấp thu canxi từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Do đó, bé có nguy cơ bị thiếu canxi nếu có một trong các nguyên nhân sau:
- Bé không được tắm nắng thường xuyên, đúng cách khiến cơ thể bé thiếu lượng vitamin D cần thiết giúp hấp thụ canxi
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ không hợp lý hoặc do mẹ ăn chay dẫn đến thiếu hụt lượng canxi mà cơ thể cần khiến nguồn sữa bị thiếu hụt loại khoáng chất này
- Trẻ bị thiếu canxi do bị dị tật ở tuyến giáp
- Do bé bị ngạt hoặc bị thiếu oxy trong quá trình sinh
- Di chứng từ bệnh đái tháo đường thai kỳ, tình trạng ngộ độc thai nghén… trong quá trình mang thai của mẹ.
Bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Ở từng giai đoạn phát triển, cơ thể cần lượng canxi khác nhau. Cách bổ sung lượng canxi đầy đủ tốt nhất cho cơ thể là từ thực phẩm qua khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu không thể, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng viên uống bổ sung canxi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chỉ có thể lấy canxi từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Do đó, cần có chế độ bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh phù hợp.
Canxi rất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu bị bổ sung thừa thì tác hại cũng không nhỏ. Lượng canxi được đo bằng miligam (mg), liều lượng canxi mà trẻ có thể được bổ sung như sau:
- Trẻ sinh thiếu tháng: Trẻ sinh non có nhu cầu về canxi khác với trẻ sơ sinh đủ tháng. Các bác sĩ nhi khoa khuyên trẻ sinh non nên được bổ sung khoảng 200 – 400 IU vitamin D/ngày. Ngoài ra, trẻ sinh thiếu tháng, đặc biệt là những trẻ có nhiều vấn đề về sức khỏe hoặc cân nặng khi sinh dưới 1,6kg có nguy cơ cao bị bệnh còi xương nên cần bổ sung canxi và phốt pho hoặc những loại thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng.
- Trẻ sinh đủ tháng:
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần 200mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi cần 260mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 700mg canxi/ngày.
Lưu ý, ngoài sữa mẹ và sữa công thức, bạn không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống bất kỳ loại sữa nào khác vì trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy, dị ứng.
Vai trò của vitamin D trong việc hấp thụ canxi
Để hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết, cơ thể cần phải có vitamin D. Vitamin D không có trong nhiều loại thực phẩm nên bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên bổ sung loại vitamin này cho cơ thể qua các loại thực phẩm chức năng.
Bạn hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để biết lượng vitamin D cần bổ sung cho bé mỗi ngày là bao nhiêu. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị:
- Trẻ được nuôi sữa mẹ hoàn toàn hoặc một phần: Cần bổ sung vitamin D theo liều lượng là 400 IU/ngày ngay từ sau khi sinh để ngăn ngừa bệnh còi xương. Việc bổ sung vitamin D này nên được thực hiện đến khi bé được 12 tháng tuổi.
- Trẻ uống sữa công thức: Thông thường, trẻ được nuôi bằng sữa công thức và uống hơn 900ml sữa/ngày, không cần bổ sung vitamin D. Hiện nay đa phần các sữa công thức có trên thị trường đều được bổ sung vitamin D. Do đó, bạn nên đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm để biết liệu bé yêu có cần bổ sung vitamin D hay không và liều lượng là bao nhiêu.
- Trẻ trên 1 tuổi và tất cả các đối tượng khác: Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Hoa Kỳ, trẻ trên 1 tuổi và các đối tượng khác cần bổ sung vitamin D qua khẩu phần ăn hàng ngày hoặc bổ sung ít nhất là 600 IU/ngày.
Những nguy hại với sức khỏe khi trẻ bị thừa canxi
Nếu bị thừa canxi có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, phốt pho… Nếu lượng canxi trong máu cao có thể gây xơ vữa động mạch (bệnh tim mạch), vôi hóa mô mềm tạo nhiều nếp nhăn trên da. Nguy hiểm hơn, tình trạng thừa canxi có thể gây cốt hóa xương (tạo xương lạc chỗ thường xảy ra sau chấn thương) sớm, hạn chế sự phát triển xương, trẻ có nguy cơ bị thấp còi hoặc ngừng phát triển chiều cao sớm.
Bạn nên đưa con đi khám nếu nhận thấy bé có một trong các dấu hiệu sau:
- Táo bón
- Đau bụng
- Mệt mỏi hay quấy khóc
- Buồn nôn, thường xuyên biếng ăn
- Rối loạn nhịp tim
- Khát nước, tiểu nhiều, đi tiểu ra sỏi, đi tiểu ra máu.
Phụ nữ cần bổ sung vitamin D để phòng thiếu canxi cho trẻ sơ sinh
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Hoa Kỳ, lượng vitamin D phụ nữ nên được bổ sung là 600 IU/ngày.
- Phụ nữ mang thai: Nên bổ sung vitamin D với liều lượng là 600 IU D/ngày, tốt nhất nên uống viên bổ sung kết hợp sắt và axit folic. Điều này giúp cơ thể mẹ bầu có đủ lượng canxi cần thiết, giảm thiểu nguy cơ hạ canxi máu, còi xương bẩm sinh và cải thiện sự hình men răng của trẻ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Nên đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng để có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể về vitamin D là 600 IU/ngày. Một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng giúp mẹ và bé có đủ các loại vitamin cần thiết. Do đó, bác sĩ thường khuyên các bà mẹ nên tiếp tục uống bổ sung vitamin D trước khi sinh để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng thích hợp. Ngoài ra, nếu là người ăn chay trường, bạn cần uống bổ sung viên B-complex, vì một số vitamin nhóm B chỉ có trong các thực phẩm như thịt, thịt gia cầm, cá.
Để tăng lượng canxi cơ thể hấp thu, bạn hãy thêm các thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống. Những thực phẩm đó bao gồm:
- Cá hồi, cá rô, cá thu, cá ngừ và lươn
- Cam, quýt, nước cam
- Sữa bổ sung vi chất
- Nấm Portobello
- Lòng đỏ trứng
- Gan động vật, đặt biệt là gan bò.
Hello Bacsi hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích trong việc bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh. Chúc bé khỏe, mẹ vui. Nếu bé có bất kỳ biểu hiện nào khiến bạn lo lắng, hãy đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời nhé.
Có liên quan
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề: