Home / Blog Bài Thuốc Nam Bắc Việt / Những điều bạn nên biết về tổn thương thận cấp

Những điều bạn nên biết về tổn thương thận cấp

Những điều bạn nên biết về tổn thương thận cấp

Thận là cơ quan quan trọng làm việc cả ngày lẫn đêm để lọc máu và thải độc cho cơ thể. Khi thận bị tổn thương có nghĩa là chức năng thận đã suy giảm, nguy hiểm hơn là tổn thương thận cấp.

Tổn thương thận cấp cản trở quá trình bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể, gây ứ đọng chất thải trong máu. Ngoài ảnh hưởng tới thận, tổn thương thận cấp tính có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác như não, tim và phổi. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những điều bạn nên biết về tổn thương thận cấp nhé!

Tổn thương thận cấp là gì?

Tổn thương thận cấp tính (Acute kidney injury) còn có tên gọi là tổn thương thận cấp, là tình trạng suy giảm chức năng thận hoặc tổn thương thận xảy ra đột ngột trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.

Tổn thương thận cấp tính xảy ra phổ biến nhất ở những bệnh nhân phải nằm viện để điều trị một căn bệnh khác, hoặc phải điều trị trong phòng điều trị tích cực, đặc biệt là người cao tuổi.

Tổn thương thận cấp tính cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn càng được điều trị sớm và hiệu quả thì cơ hội phục hồi chức năng thận càng cao.

Triệu chứng tổn thương thận cấp tính

tổn thương thận cấp

Các triệu chứng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tổn thương thận cấp tính. Các triệu chứng tổn thương thận cấp tính thường bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Nhầm lẫn
  • Buồn nôn
  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Sưng ở chân, mắt cá chân và quanh mắt
  • Lượng nước tiểu đào thải ra khỏi cơ thể quá ít
  • Động kinh hoặc hôn mê trong những trường hợp nặng

Trong một số trường hợp, tổn thương thận cấp tính không có biểu hiệu lâm sàng hay phát hiện triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế.

Nguyên nhân gây tổn thương thận cấp tính

Tổn thương thận cấp tính ngoài do giảm lưu lượng máu về thận còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm:

– Do một số bệnh lý: Một số bệnh và tình trạng dưới đây có thể làm chậm lưu lượng máu đến thận và gây tổn thương thận cấp tính:

  • Bỏng
  • Chấn thương
  • Suy tim, suy gan…
  • Huyết áp thấp hoặc sốc
  • Bị dị ứng nghiêm trọng
  • Trải qua ca phẫu thuật lớn
  • Mất máu hoặc mất nước (ví dụ như chảy máu, tiêu chảy)
  • Đau tim, suy tim và các tình trạng khác dẫn đến giảm chức năng tuần hoàn
  • Sử dụng thuốc giảm đau dạng NSAIDs (thuốc kháng viêm không chứa steroid) quá liều. Các loại thuốc giảm đau dạng NSAIDs thường được dùng để giảm sưng hoặc giảm đau như ibuprofen, ketoprofen, naproxen…

– Do tổn thương thận: Một số bệnh và tình trạng sức khỏe dưới đây có thể gây ra những tổn thương trực tiếp ở thận:

  • Nhiễm trùng huyết (sepsis) nặng
  • Bệnh u tủy (multiple myeloma)
  • Bệnh viêm mạch (vasculitis) – Tình trạng bệnh lý hiếm gặp, gây viêm và khiến mạch máu bị xơ cứng và hẹp.
  • Bệnh viêm mô kẽ thận (interstitial nephritis) – Một dạng dị ứng với một số loại thuốc.
  • Bệnh xơ cứng bì, gây ảnh hưởng đến các mô liên kết có tác dụng hỗ trợ nội quan.
  • Các bệnh lý như hoại tử ống thận, viêm cầu thận hoặc vi mạch do huyết khối gây viêm hoặc tổn thương ống thận, đến các mạch máu nhỏ trong thận, hoặc đến các đơn vị lọc thận.

– Do tắc nghẽn đường tiết niệu: Một số người có thể mắc bệnh lý gây chặn đường bài tiết nước tiểu ra ngoài cơ thể và có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Sự tắc nghẽn đường tiết niệu có thể do các nguyên nhân sau đây:

  • Sỏi thận
  • Tiền liệt tuyến lớn
  • Cục máu đông trong đường tiết niệu
  • Các vấn đề về hệ thần kinh ảnh hưởng đến bàng quang và đi tiểu
  • Ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư cổ tử cung

Những xét nghiệm phát hiện tổn thương thận cấp tính

tổn thương thận cấp

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương thận cấp tính, nhân viên y tế có thể thực hiện các xét nghiệm khác nhau nếu nghi ngờ bệnh nhân có thể mắc tổn thương thận cấp tính.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời tổn thương thận cấp tính là rất cần thiết vì nếu không được điều trị, bệnh có thể gây viêm thận mãn tính hoặc thậm chí là suy thận. Suy thận cấp tính nặng có thể dẫn đến bệnh tim hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán tổn thương thận cấp tính và xác định nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Xác định tốc độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR) để ước tính độ giảm chức năng thận.
  • Đo lượng nước tiểu: Nhân viên y tế sẽ kiểm tra lượng nước tiểu mỗi ngày để xác định nguyên nhân gây ra tổn thương thận cấp.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bạn sẽ được kiểm tra nước tiểu (phân tích nước tiểu) để tìm các dấu hiệu suy thận.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ giúp tìm mức creatinin, phốt pho, nitơ, urê, protein và kali cần được thực hiện để xem xét chức năng thận.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, có thể giúp bác sĩ nhìn thấy thận của bạn và tìm bất cứ điều gì bất thường.
  • Sinh thiết thận: Trong một số trường hợp, nhân viên y tế sẽ thực hiện một thủ thuật dùng một chiếc kim nhỏ để lấy một mẫu thận nhỏ và thực hiện quan sát các tế bào ở thận của bạn bằng kính hiển vi.

Điều trị tổn thương thận cấp tính

Bệnh nhân tổn thương thận cấp tính thường phải nằm viện điều trị. Phần lớn những người bị tổn thương thận cấp tính đã nằm viện để điều trị một căn bệnh khác. Thời gian điều trị tổn thương thận cấp tính tại bệnh viện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và khả năng phục hồi của thận.

Nếu tình trạng tổn thương thận cấp tính nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần phải lọc máu để hỗ trợ chức năng của thận cho tới khi thận phục hồi. Mục tiêu chính của điều trị tổn thương thận cấp tính là điều trị nguyên nhân gây bệnh. Các bác sĩ cũng sẽ điều trị các triệu chứng và biến chứng có liên quan đến tổn thương thận cấp tính cho đến khi thận phục hồi hoàn toàn.

Tổn thương thận cấp tính sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh thận, đột quỵ, tim mạch hoặc tái phát tổn thương thận cấp tính trong tương lai. Nguy cơ các bệnh về thận và suy thận cũng tăng lên khi bị tổn thương thận cấp tính.

Để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, khám theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra chức năng thận và khả năng hồi phục của thận. Ngăn ngừa các tổn thương thận cấp tính và tìm cách chữa trị kịp thời nếu mắc bệnh là cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị suy thận và bảo vệ chức năng thận.

Phòng ngừa tổn thương thận cấp tính

Bệnh tổn thương thận cấp tính có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng các biện pháp sau:

• Những bệnh nhân đang nằm viện điều trị nên được kiểm tra nguy cơ mắc tổn thương thận cấp thường xuyên bằng cách thực hiện xét nghiệm máu và xác định lượng nước tiểu/ngày.  

• Những người có chụp quét hoặc chụp X-quang với thuốc nhuộm (tương phản) nên được kiểm tra khả năng tổn thương thận cấp. Nếu có nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn phải thực hiện các xét nghiệm trên thì bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp cần thiết (bù dịch) để giảm nguy cơ trước khi xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm, họ cũng cần đi khám để kiểm tra tổn thương thận cấp tính thường xuyên.

• Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây tổn thương thận. Nếu không thể tránh, bạn nên giảm liều thấp nhất có thể và thực hiện xét nghiệm kiểm tra chức năng thận thường xuyên.

Tổn thương thận cấp là một bệnh lý nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Bạn cần xét nghiệm và trao đổi với bác sĩ về nguy cơ khi đang điều trị bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng thận nhé!

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Blog Sống Khỏe Bài Thuốc Nam Bắc Việt

About Bài Thuốc Nam Bắc Việt

Check Also

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ 7

Tìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Phụ Lục Bài ViếtTìm hiểu về chứng trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ nhỏTrật …

Trả lời